Toàn cảnh cuộc ăn sáng kết hợp tọa đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ trưởng với doanh nghiệp Hàn Quốc - Ảnh: NHẬT BẮC

Cuộc ăn sáng kết hợp tọa đàm là hoạt động đầu tiên trong lịch trình dày đặc hôm nay 1-7 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Seoul (Hàn Quốc).

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tham gia các dự án điện

Đại diện nhiều cái tên thuộc nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc như Hyundai Motors, GS Energy, Doosan Enerbility, KB Financial Group, Hana Financial Group, POSCO International, TKG Taekwang,... đã cùng ngồi ăn sáng và chia sẻ các đánh giá, băn khoăn với người đứng đầu Chính phủ.

Ông Jung Yeoin, chủ tịch Doosan Enerbility, cho biết tập đoàn này đến Việt Nam từ năm 2006 và hiện có mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam.

"Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Do đó, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn", ông Jung Yeoin khẳng định.

Ông Lee Kye In, chủ tịch POSCO International, thì báo cáo với Thủ tướng việc tập đoàn này đã sản xuất hơn 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam, đem về doanh thu 1,5-2 tỉ USD mỗi năm.

Từ năm 2015, tập đoàn đã tham gia vào dự án phát điện Mông Dương 1 và đang hướng tới dự án Quỳnh Lập ở Nghệ An.

Ông Jung In Sup, giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, mong muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay ở Việt Nam.

Bởi theo ông, Việt Nam có nhiều hãng hàng không có nhu cầu lớn nhưng phải ra nước ngoài để bảo dưỡng. Ông hy vọng việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay có thể thực hiện ngay tại Việt Nam.

Ông Kim Hyung Kwan, chủ tịch và giám đốc điều hành Hyundai Mipo, cho biết đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển ngành đóng tàu, mong muốn cùng Việt Nam tạo ra những sản phẩm uy tín hàng đầu thế giới.

Công ty đang ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh vào ngành đóng tàu, góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tọa đàm sáng 1-7 - Ảnh: NHẬT BẮC

Trả lời các doanh nghiệp Hàn Quốc về vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu lớn về năng lượng và đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng là lĩnh vực hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có dư địa hợp tác lớn.

Để bảo đảm năng lượng trong mọi tình huống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 6 giải pháp thời gian qua.

Trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện cơ chế điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu; rà soát điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường,

Về các vấn đề liên quan đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong các tập đoàn này sẽ mở rộng hợp tác ở Việt Nam theo ba hướng Việt Nam đã xác định.

Trong đó bao gồm lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; hạ tầng số; chuyển đổi xanh theo chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt về giao thông, năng lượng.

Ông Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đại diện Tập đoàn GS Energy phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm không thiếu điện

Sau phần trả lời của các bộ trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các nhà đầu tư quan tâm.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15% và dự báo còn tăng nữa với đà này, song theo Thủ tướng, Việt Nam bảo đảm không thiếu điện.

Liên quan đề nghị của doanh nghiệp về bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh và khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc liên hệ với các hãng hàng không Việt Nam để bàn về hợp tác.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không với nhiều hệ thống sân bay, trong đó có sân bay Long Thành, nên hợp tác về bảo trì, bảo dưỡng máy bay là nội dung mà Việt Nam đang rất cần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến được nêu tại tọa đàm - Ảnh: NHẬT BẮC

Đánh giá cao các ý kiến tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông luôn mong muốn lắng nghe và sẵn sàng trao đổi về các kiến nghị, đề xuất, sáng kiến hợp tác thiết thực của các tập đoàn Hàn Quốc.

Thủ tướng mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam để cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới", hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỉ USD vào năm 2025 và 150 tỉ USD vào năm 2030.

Ngoài các lĩnh vực truyền thống, người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh,...

Trên tinh thần "3 cùng" là "cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển", Thủ tướng tin tưởng các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước sẽ đóng góp tích cực cho quan hệ song phương và người dân hai bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30-6 đến ngày 3-7, theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và phu nhân.

Hôm nay 1-7 diễn ra một loạt cuộc tọa đàm và diễn đàn với sự tham gia của Thủ tướng, cho thấy sự quan tâm lớn của người đứng đầu Chính phủ đối với hợp tác giữa hai nước trong kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động cùng nhiều lĩnh vực khác.

DUY LINH (từ Seoul, Hàn Quốc)